Giá nhà đất TPThủ Đức tăng ‘dựng đứng’
TPThủ Đức được thành lập đã kéo theo giá nhà đất tại các quận khu vực phía Đông Thành phố tăng mạnh. Không chỉ nhà đất tại khu dân cư hiện hữu; căn hộ chung cư cũng đang xác lập mặt bằng giá mới.
Giá nhà đất tăng “ăn theo” TPThủ Đức
Năm 2020 được xem là một năm đầy khó khăn của thị trường BĐS cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, những vướng mắc về thủ tục pháp lý làm cho nguồn cung dự án mới trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là giá nhà đất tại TP.HCM lại tăng mạnh, “nóng” nhất phải kể đến là thị trường khu Đông; nơi sắp tới sẽ trở thành TPThủ Đức.
Ông Lâm, người có thâm niên môi giới nhà đất tại Q.Thủ Đức cho biết; kể từ khi 3 quận phía Đông TP.HCM rục rịch lên TP.Thủ Đức, giá nhà đất tại khu vực này đã tăng rõ rệt. Mức tăng mạnh nhất tại P.Bình Thọ và P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức.
“Không chỉ các phường trung tâm; giá đất tại các phường nằm ngoài rìa của Q.Thủ Đức như Linh Trung, Linh Xuân hay Hiệp Bình Phước cũng đang lên cơn sốt. Nhu cầu mua đầu tư rất nhiều nên giá bán tăng theo từng ngày, từng tuần”, ông Lâm chia sẻ.
So với năm ngoái; giá nhà đất dọc các trục đường chính của Q.9 như Nguyễn Duy Trinh hay Nguyễn Xiển tăng dao động từ 70 – 100 triệu đồng/m2. Những khu vực còn lại mức tăng có thấp hơn nhưng cũng từ 30 – 60 triệu đồng/m2.
Giá đất các khu vực tại Q.2 có mức tăng “chóng mặt”. Như căn nhà 64m2 mặt tiền đường Lương Định Của, P. Bình An đang được chủ rao bán giá 12 tỷ đồng. Nếu so với giá đất trung bình tại Q.2 của một đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận năm 2014 là 50 triệu đồng, thì nay đã tăng gấp 3 lần.
Nhà đầu tư “té nước theo mưa”
Không chỉ giá đất tại các khu dân cư hiện hữu, nhà chung cư tại khu Đông TP.HCM nói chung và Q.Thủ Đức nói riêng cũng đang xác lập mặt bằng giá mới.
Số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP.HCM chỉ có 26 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 15.087 căn. Trong đó, có 5.339 căn hộ cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 và 9.585 căn hộ trung cấp giá bán từ 20 – 40 triệu đồng/m2.
Phân khúc nhà ở bình dân có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 vô cùng khan hiếm, chỉ có 163 căn. Trong khi cùng kỳ năm trước, nguồn cung phân khúc này trên thị trường là 12.366 căn.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, giai đoạn 2018 – 2020, thị trường BĐS TP.HCM sụt giảm mạnh về nguồn cung, quy mô dự án cũng như lượng giao dịch nhà ở. Nguồn cung giảm khiến cho bộ phận người thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị và người nhập cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở.
Ông Châu cho rằng, nguồn cung nhà ở có giá bán bình dân hiện rất khan hiếm; trong khi nhu cầu của phân khúc này vô cùng lớn. Giá nhà ở hiện nay đang vượt khỏi khả năng chi trả của người thu nhập trung bình – thấp; đối tượng chính sách. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhất là phân khúc bình dân, dẫn đến giá nhà tăng; người dân khó có cơ hội sở hữu nhà ở với giá 1,5 tỷ đồng trở lại.
Về giá nhà ở, báo cáo tình hình thị trường BĐS quý 3/2020 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, trong cơ cấu nguồn cung nhà ở mới tại TP.HCM, loại hình căn hộ có mức giá bình dân không còn xuất hiện trên thị trường. So với quý trước đó, giá bán căn hộ tăng mạnh, từ 15% – 20%.
Theo một đơn vị nghiên cứu thị trường, đầu năm 2019 đến nay, căn hộ chung cư tại TP.HCM có giá bán trung bình 45 triệu đồng/m2. Phân khúc này đang xác lập mặt bằng giá mới, điều này khiến cho những người có nhu cầu thực khó có cơ hội sở hữu nhà.
Bộ Xây dựng cũng vừa có báo cáo về thị trường BĐS quý 3/2020, trong đó giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 0,35% so với quý trước. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân tăng mạnh hơn căn hộ cao cấp. Giá nhà ở riêng lẻ tăng 0,26% so với quý 2/2020.
Đánh giá về thực trạng giá nhà đất tăng cao, Chuyên gia kinh tế – TS.Lê Bá Chí Nhân cho rằng, giai đoạn 2018 – 2019, giá nhà đất tại TP.HCM có thể nói ở mức trung bình, thậm chí còn thấp hơn năm 2017. Đến năm 2020, khi thông tin thành lập TPThủ Đức nhen nhóm rồi chuẩn bị công bố, giá nhà đất khu Đông tăng rất cao.
“Nắm bắt thông tin này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tham gia vào thị trường khiến cho giá đất bị đẩy lên cao; có nơi gấp 2, gấp 3 lần. Nhưng giá này là giá ảo vì nhà đầu tư đang té nước theo mưa. Họ đổ xô vào đầu cơ kiếm lợi bởi nghĩ rằng giá đất sẽ còn tăng thêm nữa. Đây là tâm lý chung nên có tình trạng người người đổ xô đi mua đất”; TS.Lê Bá Chí Nhân nói.
Theo vị chuyên gia này, giá đất khu Đông tăng cao nhưng đến một ngưỡng nào đó sẽ đứng lại và thậm chí sụt giảm. Bởi không chỉ dựa vào việc thành lập TPThủ Đức, giá nhà đất có tăng hay không còn phụ vào yếu tố quy hoạch cụ thể từng khu vực và các giá trị cộng hưởng của BĐS như kết nối, tiện ích, dịch vụ…
Đơn cử như trước đây có thông tin huyện Nhà Bè hay Bình Chánh chuẩn bị lên quận; giá đất lập tức tăng cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thị trường BĐS ở những nơi này đã đứng lại. Do đó, NĐT cần cẩn trọng trước những đợt giá đất tăng mạnh khi thành lập địa giới hành chính như thế này.