Kích hoạt hàng loạt “Siêu hạ tầng kết nối”, Cát Lái được khơi thông
Đẩy mạnh tiến độ khép kín đường vành đai 2; khởi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM; khởi công nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 10/2022; thúc tiến độ xây cầu Cát Lái trong năm 2023,… Tất cả đang tạo nên bức tranh siêu hạ tầng kết nối, đưa nền kinh tế và bất động sản TP.Thủ Đức nói chung, Cát Lái nói riêng bứt phá ngoạn mục.
Tăng “nhánh” kết nối, giảm áp lực hạ tầng trung tâm
Thống kê từ Sở GTVT TP.HCM cho biết, tính đến hiện tại, mặc dù là thành phố đông dân nhất cả nước nhưng mật độ giao thông của TP.HCM chỉ đạt 2,26km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn cả nước và thấp hơn các thành phố tương đồng trên thế giới như Bangkok, Singapore,…
Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh hệ thống kết nối liên vùng của TP.HCM, nhất là vùng cửa ngõ với Đồng Nai trong giai đoạn 2022 – 2025 không chỉ đáp ứng nhu cầu giảm tải lưu lượng xe tại khu vực nội đô, tăng cường mũi nhọn kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, mà còn tạo điều kiện khai thác tiềm năng sử dụng đất và gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế cả vùng.
Động thái đầu tiên trong kế hoạch quyết tâm dồn lực bứt phá về hạ tầng là mới đây, ngày 24/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức khởi công cầu Nhơn Trạch, cách vị trí xây cầu Cát Lái chỉ 5km và thuộc tuyến vành đai 3. Đây là một trong những tuyến đường kết nối thẳng vào sân bay quốc tế Long Thành, góp phần giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây theo hướng đi QL51. Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã gửi công văn kiến nghị đến Bộ GTVT mở tuyến đường nối cảng Cát Lái – Phú Hữu đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Vành đai 3. Cung đường bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, kết thúc tại nút giao Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Song song đó, cả TP.HCM, Đồng Nai đều đang ráo riết họp bàn, xem xét và đưa ra thống nhất phương án xây cầu Cát Lái, cam kết khởi công trong 2023. Đây là dự án được kỳ vọng nhất TP.HCM trong nhiều năm qua nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng về hạ tầng tại khu vực cảng Cát Lái, rút ngắn tối đa khoảng cách di chuyển từ TP.HCM về Nhơn Trạch (Đồng Nai) và ngược lại. Thực tế, hướng kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai hiện chỉ gián tiếp thông qua 3 tuyến: quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai; quốc lộ 1K qua Bình Dương và cầu Hóa An; đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, các tuyến này đều đang trong tình trạng quá tải, gây khó khăn trong việc di chuyển cũng như kết nối kinh tế giữa các tỉnh thành.
Góp mặt vào bức tranh “siêu hạ tầng kết nối”, cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo kế hoạch đến năm 2025, dự án sân bay dân dụng lớn nhất Việt Nam sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 với công suất dự kiến 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Giới chuyên gia tiết lộ, thời điểm khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng chính là lúc hạ tầng Cát Lái – khu vực cầu nối trực tiếp TP.HCM và Đồng Nai khơi thông, rút ngắn khoảng cách, thời gian kết nối từ đô thị lõi trung tâm về đô thị sân bay Long Thành.